Các chuyên gia tin rằng sáng kiến thị thực chung 6 nước Đông Nam Á do Thái Lan đưa ra là cơ hội lớn cho du lịch Việt trong hút khách quốc tế và tăng cạnh tranh.

“Nhiều công ty du lịch Việt Nam mong muốn điều này từ lâu”, CEO Lux Group Phạm Hà nhận xét về sáng kiến thị thực chung 6 nước Đông Nam Á của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 7/2023, ông Srettha thúc đẩy nhiều chính sách để hút 80 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2027, trong đó có khởi xướng thành lập “visa Schengen kiểu châu Á” với Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia. Nếu Thái Lan đàm phán với các nước thành công, khách quốc tế chỉ cần xin visa vào một nước sẽ được đi lại tự do ở 5 quốc gia còn lại.

Herbert Laubichler-Pichler, CEO Alma Resort Cam Ranh, Nha Trang, đánh giá du lịch Việt Nam nói chung và ngành khách sạn nói riêng sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu thỏa thuận được tiến hành. Lợi ích đầu tiên chính là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng. Khách tăng kéo theo tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn tăng, doanh thu cũng nhờ thế không ngừng tiến lên.

Việt Nam có lợi thế du lịch biển đảo với những bãi biển cát trắng, nước ấm. Ảnh: Alma Resort Cam Ranh

Theo Herbert, thị thực chung sẽ giúp giải quyết bài toán khó tiếp cận khách quốc tế do chính sách thị thực của Việt Nam chặt chẽ hơn Thái Lan và Malaysia. Thái Lan hiện đón nhiều khách quốc tế hơn Việt Nam. Nếu chính sách thị thực chung được áp dụng, Việt Nam có cơ hội chia sẻ lượng khách đến Thái kết hợp thăm Việt Nam. Các thành phố lớn của Việt Nam có đường bay thẳng đến 5 quốc gia này như Bangkok – TP HCM hay Kuala Lumpur – Hà Nội sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

6 quốc gia Đông Nam Á đón 70 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, trong đó, Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD). Nếu thỏa thuận thị thực mới thành công, ông Phạm Hà nói chỉ cần 50% số khách quốc tế đến Thái Lan và Malaysia ghé thăm Việt Nam thì ngành du lịch Việt sẽ “bội thu khách quốc tế”.

Hiện tại, Việt Nam tìm mọi cách hút khách đường xa như châu Âu, Mỹ hoặc Australia nhưng lại “quên” rằng không ít khách ở thị trường này đang đến châu Á du lịch. Thái Lan đưa đề xuất tạo thị thực chung với 5 quốc gia khu vực chính là cơ hội để “lôi kéo” tệp khách có sẵn. “Du lịch Việt Nam nói nhiều nhưng chưa làm được mấy. Trong khi đó, Thái Lan phân tích thị trường rất tốt”, ông Hà nói thêm.

Khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại một resrot ven biển Hội An. Ảnh: Đắc Thành

Theo ông Hà, Thái Lan chọn 5 quốc gia để liên minh “không phải tình cờ”. 4 quốc gia chung đường biên giới đất liền với Thái Lan là Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar. Trong khi đó Việt Nam nằm cạnh Lào và Campuchia. Du khách có thể dễ dàng ghé thăm 6 quốc gia bằng đường bộ hay tàu, lựa chọn thay thế cho đường hàng không đắt đỏ. Điều này cũng giúp cho chuyến đi của du khách đa trải nghiệm hơn, tăng tính cạnh tranh của 6 nước ASEAN với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Herbert cũng đánh giá đây là “bước đi rất thông minh của Thái Lan”. Chính phủ Thái biết rằng có nhiều du khách đã đến thăm nước họ. Nếu Thái Lan tạo ra các trải nghiệm thú vị mới, khách sẽ lại tiếp tục quay lại. “Với loại thị thực được đề xuất này, Thái Lan đang khuyến khích mọi người đến thăm đất nước của họ một lần nữa”, Herbert nói.

Nếu thỏa thuận thành công, lợi thế đường bay thẳng sẽ bộc lộ rõ. Quốc gia nào có nhiều đường bay thẳng đến châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Đại Dương sẽ càng hưởng lợi vì khách sẽ tập trung đến những nơi này đầu tiên. Trong 6 nước, Thái Lan và Malayisa có nhiều đường bay hơn Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều đường bay hơn hai nước láng giềng Lào, Campuchia. Tham gia liên minh là cơ hội giúp Việt Nam trở thành một “hub” – cảng trung chuyển – ở khu vực Đông Dương. Khách thích Campuchia hay Lào sẽ bay tới Việt Nam, rồi mới đến hai nước còn lại. “Đó cũng là một lợi thế”, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt nói.

Ông Phạm Hà cũng cho rằng các nước tham “thị thực chung” có thể gặp khó trong công tác quản lý cũng như đồng bộ cơ sở dữ liệu với 5 nước còn lại. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người làm du lịch, ông Hà đánh giá tham gia thỏa thuận này Việt Nam có lợi nhiều hơn.

Còn ông Đạt cho rằng nếu đến nước nào cũng phải xin visa, khách sẽ cảm thấy không được chào đón, bất tiện và tốn kém. Họ sẽ ưu tiên các nước không cần visa hoặc rút ngắn số nước ghé thăm. “Thay vì chọn đến cả Thái Lan và Việt Nam, khách sẽ cân nhắc chọn một trong hai, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng cao”, ông Đạt nói.

Hiện tại, du lịch Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Ngoài các nước láng giềng, Việt Nam còn phải chạy đua để hút khách với các thị trường đình đám khác tại châu Á như Trung Đông hay Đông Bắc Á. Như vậy, nếu Việt Nam tham gia khối “thị thực chung” với 5 nước còn lại, sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ mạnh hơn.

Ông Đạt cũng phân tích nếu Việt Nam từ chối trong khi 5 nước còn lại cùng đồng thuận, ngành du lịch Việt lại phải đối mặt với một đối thủ lớn mạnh mới – liên minh 5 nước. “Cạnh tranh với Thái Lan đã khó, phải cạnh tranh cùng một lúc 5 nước sẽ càng mệt hơn”, theo ông Đạt.

CEO Herbert tin rằng loại visa mới chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các điểm đến nghỉ dưỡng biển của Việt Nam và Thái Lan, trực tiếp nhất là giá. Các thành phố lớn ở Việt Nam hiện rất đông đúc, giá phòng cao, công suất kín phòng khoảng 75% dịp cao điểm. Sáng kiến thị thực chung nếu được thực hiện sẽ tiếp tục đẩy công suất sử dụng phòng cao hơn, giá phòng của khách sạn trong phố cũng bị nâng lên, giá tour cũng sẽ tăng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược kiểm soát giá, tránh để mọi thứ trở nên quá đắt đỏ, khiến một số du khách có thể quyết định bỏ qua không đến du lịch.

Việc đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn điểm đến khi lượng khách đến đông, ông Đạt nói có thể kiểm soát bằng công nghệ. Mọi thông tin của du khách đều được kiểm soát khi qua cửa xuất nhập cảnh. “Việt Nam hoàn toàn có quyền từ chối cho khách nhập cảnh nếu thấy hồ sơ của họ không ổn”, ông Đạt nói thêm.

CEO Resort Alma Cam Ranh đặt nhiều hy vọng đề xuất được thông qua. “Sẽ rất tuyệt vời cho ngành du lịch”, theo Herbert .

Nguồn: vnexepress